Họ tên: Chính lúc tôi nhận ra… Ba…đã khác xưa nhiều rồi
Số báo danh: 10
Giới thiệu: Tác giả Hồng Loan

Chính lúc tôi nhận ra… Ba…đã khác xưa nhiều rồi.

Ngày bé, tôi lớn lên từ vòng tay của bà nội. Tôi không biết nữa, tại sao mình lại ở với bà. Tôi cũng không thắc mắc cho đến tận bây giờ, khi bà tôi không còn nữa và tôi cũng đã lớn rồi.
Ở với bà, tôi không biết cực khổ là gì. Hồi đó, bà nuông chiều và dễ dãi lắm. Tôi suốt ngày chỉ biết ăn rồi chơi, lớn một tí thì chỉ biết có học. Thỉnh thoảng, tôi thấy ba ghé vào nhà nội, nói vài ba câu, rồi lại về. Tuổi thơ của tôi hầu như không có tình cảm gì đặc biệt giữa cha con. Tôi chưa từng có cảm giác được ba chở cho đi học, sắm sửa quần áo hay thậm chí dang đôi tay ôm chầm, hôn lấy hôn để tôi như những gì tôi thấy ở gia đình khác.
Ba của tôi kì lắm.
Hình như ông không yêu mẹ tôi. Tôi vẫn thường hay đùa như thế, mặc dù ngoài mặt tôi tỏ vẻ đùa cợt nhưng thật ra, trong thâm tâm tôi nghĩ nó hoàn toàn đúng.
Cho đến cuối năm lớp 9, khi bà tôi bị bệnh và chúng tôi dọn về ở chung với ba mẹ. Mọi thứ lúc này với tôi như bước sang một trang mới, rất mới. Tôi chưa từng bị bắt phải chạy đi mua đồ cho bằng được giữa cái nắng gắt muốn bể đầu hay cả trời mưa sấm chớp dữ dội, để phục vụ cho những cuộc vui bí tỉ ngoài kia. Tôi cũng chưa từng bị phớt lờ việc ăn uống đúng bữa, ấy thế mà ba tôi không hề quan tâm đến sự no đói của tôi, ông cứ làm cho được việc của ông trước đã. Mặc cho thái độ tôi cau có và khó chịu vì sắp đi học mà chưa được ăn cơm. Tôi đã từng bất ngờ với những hành động đó. Tôi không tin được ba tôi quái đãng đến thế. Ông không hề biết nghĩ gì đến con cái của mình. Phải nói lúc đó tôi có bị shock đấy. Vì không thể ngờ, người mình gọi là ba chẳng hề quan tâm đến gia đình một chút gì.
Cả mấy năm sống chung nhà với ba, tôi chưa thấy ông lần nào tự giác nấu cơm, giặt đồ, phụ giúp mẹ tôi, ngoài những việc ông hăng hái làm cho người dưng, những kẻ nhậu nhẹt, bài bạc bê tha. Có những câu chuyện dài không biết bắt nguồn từ đâu để kể nữa, cứ mỗi khi nghĩ đến lại thấy cay ở sống mũi, bao nhiêu nỗi hằn học, oan ức ùa về. Để rồi hình bóng ba tôi đọng lại trong kí ức chỉ là người đàn ông ích kỉ, hung dữ, sống chỉ biết nghĩ cho mỗi mình.
Rồi mọi thứ cũng trôi qua, đôi lần lên bờ xuống ruộng tưởng như cũng toang hoang cửa nhà. Tôi bước chân ra thành phố, bắt đầu những chuỗi ngày tự lập. Cả tháng tôi không gọi về dù chỉ một lần, cũng không ai gọi tôi. Không phải vì tôi ghét gì ông ấy. Mà đúng hơn, tôi không biết nói chuyện gì với ông cả. Chúng tôi trước đây đã không thân mật với nhau mấy, thì giờ đi xa lại càng không. Tôi hay thấy người ta nói, đàn ông thì không thường thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Họ chỉ lặng lẽ yêu thương, quan tâm âm thầm theo cách của họ thôi. Tôi cũng từng tự cho mình cơ hội gần gũi với ba vì nghĩ như thế, vì chúng ta là gia đình mà.
Bước ra khỏi nhà, tôi cũng không thường xuyên trở về. Tôi cứ lao vào đời, bằng cách nào đó kiếm được thật nhiều tiền. Và tôi cũng không quên tôi có một người ba như thế làm động lực cố gắng mỗi ngày.
Rồi thời gian trôi, cũng sẽ có những cơ hội nào đó cho ba con chúng tôi gặp nhau, sống lại với nhau và…tôi nhận ra, ba tôi đã khác xưa nhiều rồi. Chính cái lúc mà tôi vô tình nhìn thấy ông ngồi rửa đống chén dưới bậc thềm. Ôi trong người tôi dâng lên một cảm xúc khó tả lắm. Tưởng như là tôi đã chứng kiến một cảnh tượng gì đó huy hoàng lắm, dữ dội lắm. Tôi thấy hình ảnh đó đẹp lạ lùng, tựa như “tấm ảnh đắt giá” trong câu chuyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu vậy. Tôi vội lấy chiếc điện thoại, chụp ngay một tấm. Giờ thì nó vẫn còn đấy, ở dưới đó.
Khoảnh khắc đáng nhớ đó đối với tôi là một điều đặc biệt, ý nghĩa vô cùng. Con người ta thay đổi chỉ khi họ cho phép mình thay đổi, tự nguyện chứ không phải ép buộc hay vì một trách nhiệm hão huyền nào đó. Không cằn nhằn, không nhăn nhó, xuất phát từ cái tâm đó mới là điều đáng quí.
Tôi đùa giả lả:
- Ô trời, bữa ni ông ba rửa chén, chắc trời sập.
Ba tôi cười, đôi gò má nhô lên:
- Ba mi rửa hoài chớ, má mi ăn rồi hắn làm cả thau cả thau ứ nự ni ba mi rửa đuối.
Tôi nhìn mãi hồi lâu.
Ai rồi cũng có những tổn thương khó quên, quan trọng là chúng ta có buông bỏ để chữa lành vết thương không? Hãy học cách tha thứ và quên đi, cuộc sống bên ngoài đã có quá nhiều sự mệt mỏi, về nhà là nơi để yêu thương. Không oán trách nữa, không hờn giận nữa, nhẹ nhàng mà sống cho đời an yên.
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0

Danh sách bình chọn

STT Mã VOTE Số lượng bình chọn Thời gian

Đơn vị tài trợ