Họ tên:
Ai nỡ tắt đèn những tiền đồ xa lạ
Số báo danh:
43
Giới thiệu:
Tác giả Loan Nguyễn
AI NỠ TẮT ĐÈN NHỮNG TIỀN ĐỒ XA LẠ
Giữa cuộc chiến sinh tồn Covid-19, liệu bạn có dám để người thân của mình bước ra tiền tuyến không? Tôi không biết nữa, khi không thật sự ở hoàn cảnh đó người ta thường hay huyễn hoặc cho câu trả lời. Nhưng chí ít, tôi đã được mục thị câu chuyện có thật của một cá nhân ngoại lục tuần, để rồi có cái biên lại trên trang giấy.
Khu tôi sống, không ai lại không thương quý bác tổ trưởng bởi tính tình khẳng khái lại thêm cái chất giọng đậm chất Sài Gòn: hô một tiếng – ba dãy nhà đều nghe. Bác là Google sống, không cần điện thoại thông minh mà ngõ ngách nào cũng tường tận, gia đình nào cũng nắm rõ mấy gái – mấy trai. Nhiều khi lũ trẻ chúng tôi cũng sợ bác lắm, bởi mấy lần đi chơi về khuya mà tình cờ bị bắt gặp là hôm sau bác nhắc ba mẹ liền. Rồi mấy anh shipper lóng ngóng giao hàng mà người nhận vắng nhà, bác cũng tặc lưỡi hỏi giúp rồi giữ giùm cho. Vậy đó, rồi bác trách “Mấy đứa mua hàng tào lao hành tao dữ quá”, chứ mà cứ có hàng về là bác vẫn nhận. Người Sài Gòn nhiều khi lạ đời, chửi cứ chửi mà giúp cứ giúp. Hỏi sao người ta không thương.
Nhưng đó là chuyện của những ngày cũ, còn bây giờ, khi Sài Gòn oằn mình giữa đại dịch, người ta thương bác kiểu khác. Tôi vẫn nghe tiếng bác vọng lại mỗi ngày, với một âm lượng lớn hơn nhiều qua lớp khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, với những tiếng thở hắt đứt quãng giữa nắng hè và những ngày làm việc quá sức. Thay vì những tờ phiếu mời họp tổ dân phố khi xưa, tôi nhận từ bác những tờ phiếu xét nghiệm, phiếu chích vắc-xin, phiếu đi chợ… những tấm phiếu lạ lẫm chỉ ra đời thời đại dịch. Cũng không còn thời gian cho những lời hỏi han khi xưa nữa “Dạo này công việc sao con?”, “Bao giờ mày mới chịu cưới?”, chỉ còn là cái gật đầu vội của đôi bên, là những lằn đỏ tôi kịp nhìn thoáng qua trong mắt bác. Tôi không thể biết bác chợp mắt lúc mấy giờ mà cứ sáng sớm đã lại nghe tiếng nói thân thuộc, tôi nhiều lúc không thể tin một thân thể đã già lại có sức mạnh ý chí vượt ngoài phạm vi tuổi tác như vậy.
Những ngày ngồi ở chốt chặn, bác đại diện cho cả con hẻm nhận gói hỗ trợ của mạnh thường quân rồi đem gõ cửa từng nhà không ngại mưa nắng. Có đợt mưa quá mà bác vẫn một tay che dù một tay xách túi đồ phải hơn chục ký, nói “Mưa mình đợi được, chứ đói người ta không đợi được”, vậy thôi mà sóng mũi tôi cay xè. Nhìn cánh tay bác nổi gân xanh vì xách nặng, cánh tay lốm đốm đồi mồi lẽ ra ở tuổi xế chiều này phải được nằm nhà xem tivi, tôi thêm thương những gói quà – ướt đẫm nước mưa lẫn nước mắt.
Những ngày khu phố tôi xét nghiệm, bác cũng không quản ngại cùng các anh dân quân xách từng chiếc ghế đến cho các cụ già, cùng các bạn tình nguyện viên phân luồng, sắp xếp mọi việc đâu ra đấy. Giữa dòng người di chuyển, tôi thấy bác làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả không kém gì một thanh niên sức dài vai rộng, một thứ năng lượng mà tôi tin được hình thành từng ngày từ lòng từ ái. Có nhiều bận, người ta chờ lâu sốt ruột, người ta gọi điện tổng đài không ai bắt máy, người ta muốn ra đường nhưng chưa hết đợt cách ly… một trăm thứ lý do khiến họ giận ông trời, giận lây sang cả bác. Ấy vậy mà bác có để tâm đâu, bác nói “Trong cơn bĩ cực ai mà chẳng thế, phải thương người ta hơn mới phải”. Ừ, tôi tin ở bác, tôi tin là qua cơn bĩ cực – đến hồi thái lai.
Nhiều khi, bác cũng nhận được mấy cuộc gọi lộn số, những cuộc gọi lộn số nhưng lại đúng người, bởi vì bác chưa bao giờ cúp máy nếu còn có thể giúp gì cho người ta. Bác dặn bên kia bình tĩnh, hít sâu thở chậm, rồi làm theo những chỉ dẫn trong tầm kiến thức của mình. Bác luống cuống tìm số điện thoại cần thiết trong cuốn sổ cũ mèm rồi hét to cho đầu dây hoảng loạn bên kia ghi kịp. Phải, trong chuỗi ngày đuối sức vì đại dịch, người ta dễ cắt ngang những cuộc gọi lạ lẫm không liên quan đến mình. Nhưng bác thì không, bác đã không nỡ tắt đèn những tiền đồ xa lạ.
Tôi không biết bác đã phải đấu tranh tâm lý nặng nề đến mức nào bởi tôi chưa từng ở vị trí khó khăn của bác. Tôi biết gia đình bác lo lắng ngăn cản, thậm chí bác gái đã phiền lòng và các con đã nổi giận. Tôi hiểu chứ, tôi đồng cảm vô cùng nếu người nhà tôi đi vào tâm dịch, nếu ba mẹ tôi làm những công việc bác đang làm. Tôi sẽ lo sợ mỗi giây phút họ bước ra khỏi nhà, khi tuổi tác và sức khỏe người già luôn khiến tôi quan ngại. Đã mấy tháng rồi bác không có bữa cơm gia đình, đã mấy tháng rồi bác nghe những lời phàn nàn lẫn khuyên nhủ thành tâm. Bác hoàn toàn có sự lựa chọn kia mà, hoặc là quay về nhà để bản thân được an toàn, hoặc là bước ra ngoài để đánh cược 50/50 với Covid. Vào những lúc này tôi trộm nghĩ về triết học cao siêu, về “phải trái đúng sai” thời đại dịch. Ta thấy đúng vì đa phần mọi người xung quanh thấy đúng, ta làm vậy vì những người xung quanh làm vậy, câu hỏi đúng – sai thường xuất hiện khi đứng trước các lựa chọn xung đột về lợi ích. Vậy mà nhiều người vẫn chọn đi trật đường ray lý thuyết, chọn lấy con đường thiểu số cho riêng mình. Lạ đời thay!
Đại dịch, biến những phép màu không thể thành có thể, biến những ví dụ mơ hồ trong sách vở thành những thực thể sống động ngay trước mắt. Tôi rồi sẽ kể lại cho thế hệ mai sau, rồi sẽ chỉ cho những đứa trẻ trong nhà nhìn bác tổ trưởng mà nói rằng: không cần khoác lên bộ đồ siêu nhân hay người nhện, họ chính là những anh hùng đời thường đã cứu lấy chúng ta. Con phải nhớ!
AI NỠ TẮT ĐÈN NHỮNG TIỀN ĐỒ XA LẠ
Giữa cuộc chiến sinh tồn Covid-19, liệu bạn có dám để người thân của mình bước ra tiền tuyến không? Tôi không biết nữa, khi không thật sự ở hoàn cảnh đó người ta thường hay huyễn hoặc cho câu trả lời. Nhưng chí ít, tôi đã được mục thị câu chuyện có thật của một cá nhân ngoại lục tuần, để rồi có cái biên lại trên trang giấy.
Khu tôi sống, không ai lại không thương quý bác tổ trưởng bởi tính tình khẳng khái lại thêm cái chất giọng đậm chất Sài Gòn: hô một tiếng – ba dãy nhà đều nghe. Bác là Google sống, không cần điện thoại thông minh mà ngõ ngách nào cũng tường tận, gia đình nào cũng nắm rõ mấy gái – mấy trai. Nhiều khi lũ trẻ chúng tôi cũng sợ bác lắm, bởi mấy lần đi chơi về khuya mà tình cờ bị bắt gặp là hôm sau bác nhắc ba mẹ liền. Rồi mấy anh shipper lóng ngóng giao hàng mà người nhận vắng nhà, bác cũng tặc lưỡi hỏi giúp rồi giữ giùm cho. Vậy đó, rồi bác trách “Mấy đứa mua hàng tào lao hành tao dữ quá”, chứ mà cứ có hàng về là bác vẫn nhận. Người Sài Gòn nhiều khi lạ đời, chửi cứ chửi mà giúp cứ giúp. Hỏi sao người ta không thương.
Nhưng đó là chuyện của những ngày cũ, còn bây giờ, khi Sài Gòn oằn mình giữa đại dịch, người ta thương bác kiểu khác. Tôi vẫn nghe tiếng bác vọng lại mỗi ngày, với một âm lượng lớn hơn nhiều qua lớp khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, với những tiếng thở hắt đứt quãng giữa nắng hè và những ngày làm việc quá sức. Thay vì những tờ phiếu mời họp tổ dân phố khi xưa, tôi nhận từ bác những tờ phiếu xét nghiệm, phiếu chích vắc-xin, phiếu đi chợ… những tấm phiếu lạ lẫm chỉ ra đời thời đại dịch. Cũng không còn thời gian cho những lời hỏi han khi xưa nữa “Dạo này công việc sao con?”, “Bao giờ mày mới chịu cưới?”, chỉ còn là cái gật đầu vội của đôi bên, là những lằn đỏ tôi kịp nhìn thoáng qua trong mắt bác. Tôi không thể biết bác chợp mắt lúc mấy giờ mà cứ sáng sớm đã lại nghe tiếng nói thân thuộc, tôi nhiều lúc không thể tin một thân thể đã già lại có sức mạnh ý chí vượt ngoài phạm vi tuổi tác như vậy.
Những ngày ngồi ở chốt chặn, bác đại diện cho cả con hẻm nhận gói hỗ trợ của mạnh thường quân rồi đem gõ cửa từng nhà không ngại mưa nắng. Có đợt mưa quá mà bác vẫn một tay che dù một tay xách túi đồ phải hơn chục ký, nói “Mưa mình đợi được, chứ đói người ta không đợi được”, vậy thôi mà sóng mũi tôi cay xè. Nhìn cánh tay bác nổi gân xanh vì xách nặng, cánh tay lốm đốm đồi mồi lẽ ra ở tuổi xế chiều này phải được nằm nhà xem tivi, tôi thêm thương những gói quà – ướt đẫm nước mưa lẫn nước mắt.
Những ngày khu phố tôi xét nghiệm, bác cũng không quản ngại cùng các anh dân quân xách từng chiếc ghế đến cho các cụ già, cùng các bạn tình nguyện viên phân luồng, sắp xếp mọi việc đâu ra đấy. Giữa dòng người di chuyển, tôi thấy bác làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả không kém gì một thanh niên sức dài vai rộng, một thứ năng lượng mà tôi tin được hình thành từng ngày từ lòng từ ái. Có nhiều bận, người ta chờ lâu sốt ruột, người ta gọi điện tổng đài không ai bắt máy, người ta muốn ra đường nhưng chưa hết đợt cách ly… một trăm thứ lý do khiến họ giận ông trời, giận lây sang cả bác. Ấy vậy mà bác có để tâm đâu, bác nói “Trong cơn bĩ cực ai mà chẳng thế, phải thương người ta hơn mới phải”. Ừ, tôi tin ở bác, tôi tin là qua cơn bĩ cực – đến hồi thái lai.
Nhiều khi, bác cũng nhận được mấy cuộc gọi lộn số, những cuộc gọi lộn số nhưng lại đúng người, bởi vì bác chưa bao giờ cúp máy nếu còn có thể giúp gì cho người ta. Bác dặn bên kia bình tĩnh, hít sâu thở chậm, rồi làm theo những chỉ dẫn trong tầm kiến thức của mình. Bác luống cuống tìm số điện thoại cần thiết trong cuốn sổ cũ mèm rồi hét to cho đầu dây hoảng loạn bên kia ghi kịp. Phải, trong chuỗi ngày đuối sức vì đại dịch, người ta dễ cắt ngang những cuộc gọi lạ lẫm không liên quan đến mình. Nhưng bác thì không, bác đã không nỡ tắt đèn những tiền đồ xa lạ.
Tôi không biết bác đã phải đấu tranh tâm lý nặng nề đến mức nào bởi tôi chưa từng ở vị trí khó khăn của bác. Tôi biết gia đình bác lo lắng ngăn cản, thậm chí bác gái đã phiền lòng và các con đã nổi giận. Tôi hiểu chứ, tôi đồng cảm vô cùng nếu người nhà tôi đi vào tâm dịch, nếu ba mẹ tôi làm những công việc bác đang làm. Tôi sẽ lo sợ mỗi giây phút họ bước ra khỏi nhà, khi tuổi tác và sức khỏe người già luôn khiến tôi quan ngại. Đã mấy tháng rồi bác không có bữa cơm gia đình, đã mấy tháng rồi bác nghe những lời phàn nàn lẫn khuyên nhủ thành tâm. Bác hoàn toàn có sự lựa chọn kia mà, hoặc là quay về nhà để bản thân được an toàn, hoặc là bước ra ngoài để đánh cược 50/50 với Covid. Vào những lúc này tôi trộm nghĩ về triết học cao siêu, về “phải trái đúng sai” thời đại dịch. Ta thấy đúng vì đa phần mọi người xung quanh thấy đúng, ta làm vậy vì những người xung quanh làm vậy, câu hỏi đúng – sai thường xuất hiện khi đứng trước các lựa chọn xung đột về lợi ích. Vậy mà nhiều người vẫn chọn đi trật đường ray lý thuyết, chọn lấy con đường thiểu số cho riêng mình. Lạ đời thay!
Đại dịch, biến những phép màu không thể thành có thể, biến những ví dụ mơ hồ trong sách vở thành những thực thể sống động ngay trước mắt. Tôi rồi sẽ kể lại cho thế hệ mai sau, rồi sẽ chỉ cho những đứa trẻ trong nhà nhìn bác tổ trưởng mà nói rằng: không cần khoác lên bộ đồ siêu nhân hay người nhện, họ chính là những anh hùng đời thường đã cứu lấy chúng ta. Con phải nhớ!
Điểm bình chọn:
0
Số lượng bình chọn hiện tại
0
Danh sách bình chọn
STT
Mã VOTE
Số lượng bình chọn
Thời gian