Họ tên: Ba, tôi và những khoảnh khắc dệt nên cuộc đời
Số báo danh: 84
Giới thiệu: Tác giả Nguyễn Thiên Ý
Ba, tôi và những khoảnh khắc dệt nên cuộc đời
Ba lướt qua tôi vào một chiều mùa đông lạnh ngắt. Chiếc xe máy mờ đèn lái ba rẽ qua con đường hun hút về nhà nội. Đó là một thế giới không mấy ai hiểu được, kể cả tôi.
Chiều đông năm đó có lạnh không. Tôi chẳng nhớ. Tôi có khóc không, cũng chẳng biết được. Nhưng mưa tát vào mặt tôi đau điếng, đầy những tổn thương. Tôi và ba lướt qua nhau, vội vã như một mảnh người dưng chưa từng gặp bao giờ.
Ba tôi bận lắm!
Cả chục năm nay, ba cứ đi đi về về sớm tối giữa hai căn nhà, một gia đình nhỏ và một người mẹ to.
Gà chưa gáy, ba đã thức dậy lo cho mẹ - là bà nội tôi.
6h sáng chạy vội về nhà, ba ăn uống qua loa rồi ra vườn làm cỏ. 5h chiều, ba lại chạy xe về chăm nội, tắm rửa, thay quần áo, quạt cái trách than để dưới đuôi giường. Dù việc ở nhà còn dở, ba vẫn gác lại về với nội, mọi thứ để hôm sau tính.
Chưa ai từng thay thế vị trí của ba, dù chỉ vỏn vẹn một ngày. Cũng không có ai hiểu được ba, mà chỉ có những lời trách móc, oán than: Ông ta không lo gì cho cái nhà này cả, không làm tròn trách nhiệm chồng, cha.
Một ngày tôi gặp ba chừng 2 lần, nói đôi câu thưa trình là hết. Vì thế, mối quan hệ ba - tôi mỗi ngày một nhạt nhẽo.
Có những buổi chiều, mẹ tôi cặm cụi một mình ngoài vườn đến tối muộn không bắc kịp nồi cơm. 8h tối lọc cọc đạp xe từ lớp học thêm về đói mốc, tôi mò vào bếp lui cui thổi lửa. Còn ba tôi lúc đó đã yên vị ở nhà nội. Mọi thứ thật rời rạc. Bởi thế, mẹ tôi đôi hôm lại hậm hực, vợ chồng cãi cự nhau hết ngày này tháng khác, rồi lạnh tanh.
Mẹ trách ba: Ông có làm được gì cho cái nhà này đâu.
Tôi mím môi gật đầu một mình chắc nịch.
Ba im lặng.
Nhưng không! Chúng tôi sai rồi.
Có lẽ vì mệt mỏi quá mà mẹ con tôi quên mất, ba là một bệnh nhân ung thư. Ba tôi mắc K tuyến giáp, mổ xong áng chừng cũng hơn mười hai năm.
Nếu làm mệt, ba sẽ nghỉ. Công việc tồn đọng của hôm nay, ba bảo cứ gác lại để mai làm. Nhưng mẹ tôi thì ham công tiếc việc, dẫu thế nào cũng ráng làm cho xong. Thế là bất đồng.
Tôi ra trường lao đầu vào công việc đến những ngày cạn kiệt mới giật mình nhận ra, ba là đang để dành sức cho cuộc sống của chính mình và cả gia đình. Vì lỡ như mệt quá, ai sẽ chăm bà, rồi lại chăm ba. Tôi bây giờ mới đọc được cái im lặng của ba: Tao phải khỏe để ngày mai còn cắt cho con bò nắm cỏ, làm vườn, trồng cây giống, và chăm mẹ già. Chỉ vậy thôi, mà tôi không hiểu.
Sau đợt mổ, ba tôi trở nên nóng tính và rất nhiều khi lớn tiếng. Những chuyện bình thường thoát ra từ ba tăng lên 10 phần bực tức. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ sao mà ba thật xấu xa.
Nhưng tôi sai rồi.
Những người mổ tuyến giáp nói thành tiếng rất khó khăn. Ba phải cố gắng nói to, phải gân cổ lên để nói được một cách bình thường. Và những người K tuyến giáp như ba, cũng rất khó điều chỉnh được cảm xúc.
Ba cũng không hay quan tâm chuyện người ngoài. Mẹ tôi luôn có mặt trong các cuộc ẩu đả từ anh chị em trong nhà đến bà con chòm xóm. Mẹ đứng ra can ngăn, lớn tiếng nạt nộ. Còn ba tôi sẽ lặng lẽ rời đi. Vì thế mẹ cũng hay tức tối: Mày thấy không? Cái con người thờ ơ đó. Và tôi cũng gật gù tỏ vẻ mẹ đúng rồi.
Nhưng không! Chúng tôi lại sai rồi.
Những cuộc ẩu đả khi đó có rất nhiều người đánh, người can, toàn những thanh niên trai tráng, rượu vào lời ra, chân vung tay chém loạn bồ cào. Họ sẵn sàng cầm chai bia phang vào đầu người khác, họ rút con dao từ nhà bếp lao ra sân hậm hồ.
Ba tôi có thể làm gì khi không thể lớn tiếng can ngăn, càng không đủ sức để cản lại. Nếu có mặt mà khoanh tay đứng nhìn, thì lại càng sai trái phải không? Vì vậy mà những cuộc ẩu đả này, ba chọn đứng ngoài cuộc, lặng im cắt cho con bò nắm cỏ, đến giờ lại về nhà chăm nội.
Bây giờ tôi lại thấy điều này hợp lí quá, vì suy cho cùng, nếu không đủ sức ảnh hưởng người khác, chúng ta chỉ có thể quay về tập trung vào chính bản thân mình mà thôi.
Bạn biết không, ba tôi có một tinh thần lạc quan không ai sánh nổi. Ngày được chẩn đoán ung thư, mẹ tôi đã khóc hết một buổi trưa, còn ba gọi điện về nhà bình thản: Mổ thôi mẹ nó.
Sau này, người bạn thân của ba vẫn hay nói đùa: Mày thấy không, cứ tích cực lạc quan như ba mày mà ngon. Mấy ông mổ cùng đợt than thở quá, giờ đi hết trơn rồi. Thật may, thật may là ba tôi vẫn khỏe.
Phải rồi, chỉ riêng việc giữ cho mình khỏe mạnh như trước, với ba đã là một nỗ lực quá lớn. Nhưng đâu ai nhớ ba là một bệnh nhân K, vừa gánh trên vai công việc gia đình, vừa làm tròn trách nhiệm của một người con trưởng. Còn tôi cũng chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân mình, rồi lại trách ba sao mà vô tâm. Hmmm... có bây nhiêu đó thôi, mà đến tận bây giờ tôi mới hiểu.
Tầm 1 năm trước, khi tham gia lớp học "Happiness writing", tôi đã viết lại tất cả những uất ức của mình về ba để trả lời cho câu hỏi Bạn có là cuộc đời nối dài của ai đó không? Và ngay cái chấm câu cuối cùng, mắt tôi nhòe đi, tờ giấy viết nhem nhuốc màu mực loãng. Phải đến lúc này, tôi mới thực sự chấp nhận rằng, tôi cũng đang chọn sống một cuộc đời không-mấy-ai-hiểu-được như ba. Vậy thì không nhẽ tôi vẫn cố chấp ghét ba, thế thì khác nào tôi cũng đang ghét bỏ chính mình.
Tôi đã khóc. Lần này mưa không tát vào mặt tôi nữa, mà tôi tự tát vào mặt mình. Những nông cạn trước kia đã khiến (chúng) tôi tự làm khổ mình, làm khổ ba. Trái tim lạnh ngắt lâu nay, giờ nghĩ về ba đã trở nên ấm nóng lạ thường. Tôi không biết ba có từng cảm thấy tôi lạnh lùng trách móc ông không, mà tôi cũng chưa bao giờ dám hỏi.
Tôi bắt đầu xóa bỏ những rào cản trong suy nghĩ của mình về ba, tập nghe những cuộc điện thoại không nhiều lời nói, chỉ hỏi thăm vài câu, rồi cúp máy. Tôi bắt đầu chủ động gọi về cho ba nhiều hơn, cho đến hôm nay đã thấy thoải mái mà dặn dò đủ thứ, kể lể đủ chuyện về công việc của mình.
Vài ngày trước, tôi giật mình khi nhìn dàn râu ba bạc trắng, da mặt nhăn nheo, cái cổ đỏ chét nắng đầy những hố sâu. Thời gian trôi nhanh quá, vừa kịp tỉnh ra thì ba đã già rồi.
Hôm qua, ba tôi khoe bán được vườn cau gần 10 triệu. Vườn cau bọc quanh nhà như bờ rào, tổng cộng cả trăm cây, đến nay chắc cũng tầm ba mươi năm tuổi. Ba trồng nó từ thuở mới bẫy cỏ khai hoang dựng nhà với mẹ. Bạn thấy không, ba tôi lo xa thế đấy, mà đứa con này toàn nhớ những chuyện không đâu.
Tôi đã viết bài này từ khoảnh khắc ba lướt qua mình năm đó, cho đến giờ phút này. Tôi viết trong đầu, tôi lôi nó vào trang giấy, tôi đặt nó lên bàn phím. tôi tiêm nó vào người khác. Để bây giờ là một bài viết dài, đầy những xóa bỏ, bẻ cong, nhận ra, đón lấy. Mà sau cùng, cũng chỉ là để nhìn lại ba - tôi, và những khoảnh khắc dệt nên cuộc đời.
Bạn ơi, cuộc đời chúng ta không chỉ là một cái dấu chấm. Nhiều cái chấm, mới làm nên cuộc đời. Có đôi lúc, mình cũng đừng chỉ nhìn vào một khoảnh khắc, vì nhiều khoảnh khắc mới làm nên điều đáng nhớ. Bạn, cũng có thể kể về một vài khoảnh khắc làm nên cuộc đời đáng nhớ của riêng bạn. Còn tôi, sẽ tiếp tục kể về chuyện ba - tôi, và những khoảnh khắc làm nên cuộc đời.
Ảnh: Thật thà là, chúng tôi không có một tấm ảnh riêng hay trọn vẹn cả gia đình, tôi và ba lại càng không. Bức hình này có thể sẽ phát ra yêu thương, nếu bạn cảm được.
Cảm ơn bạn!
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0

Danh sách bình chọn

STT Mã VOTE Số lượng bình chọn Thời gian

Đơn vị tài trợ