Họ tên: SINH MỘT EM BÉ - VIỆC MÀ MÌNH LÀM GIỎI NHẤT
Số báo danh: 104
Giới thiệu: Tác giả: Phượng Trần

SINH MỘT EM BÉ - VIỆC MÀ MÌNH LÀM GIỎI NHẤT
Annecy, Pháp, ngày 10/12/2018
Đó là lúc 2h sáng, một ngày mùa đông tuyết vừa tan, mưa ẩm ướt và rét mướt. Lơ mơ giữa mộng mị, mình giật mình tỉnh giấc vì cảm thấy một luồng hơi ấm từ chất lỏng chầm chậm chảy dưới chân. Mau chóng nhận thức việc gì đang diễn ra, tuy tim đập thình thịch vì hồi hộp, nhưng mình vẫn cố hết sức bình tĩnh nhẹ nhàng lay chồng:
- Anh ơi, dậy, dậy! Vỡ ối rồi.
Ông chồng ú ớ nhỏm dậy:
- Hả? Cái gì? Vỡ cái gì?
- Vỡ ối chứ còn vỡ cái gì nữa, đi lấy khăn, rồi đỡ em dậy!
Hai vợ chồng nhanh chóng định thần lại cho tỉnh táo. Va li đi đẻ đã chuẩn bị cách đây cả tuần, nên cũng không đến nỗi cuống quýt, chỉ là hơi hồi hộp và lo lắng chút thôi. Chồng mình nhấc điện thoai, gọi điện đến trung tâm hỗ trợ thông tin của bệnh viện, miêu tả lại tình trạng của vợ: không đau bụng, không có cơn co tử cung, chỉ bị rỉ ối, thai đã đủ 39 tuần. Bác sỹ ân cần động viên, cứ bình tĩnh rồi vào bệnh viện, mọi thứ họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sinh tên mình. Hai vợ chồng nhìn nhau, không biết nên đi ngay viện không nhỉ, trong khi đang nửa đêm, ô tô thì không có vì phương tiện đi lại hàng ngày là xe buýt và đi bộ, taxi thì giờ này cũng không gọi được, gọi cấp cứu mà vào không đẻ ngay, cũng không đau đớn khẩn cấp gì lại mất tiền oan (do bên này nếu bạn gọi xe cấp cứu mà tình trạng không phải thực sự khẩn cấp thì bạn phải trả tiền xe rất đắt thay vì bảo hiểm sẽ trả cho bạn). Nghĩ vậy, hai vợ chồng bàn nhau: thôi đi ngủ tiếp, sáng mai 6h có xe buýt thì đi buýt vào viện. Thế là hai vợ chồng lên giường đánh một giấc ngon lành, ấm áp. Đồng hồ điểm 6h, mình vẫn không thấy đau đớn hay có cơn co gì cả, nước ối cũng không thấy chảy nữa. Vợ chồng đủng đỉnh, sắp xếp nhà cửa, rồi xách va li, vui vẻ lên xe buýt thẳng tiến tới bệnh viện.
Sau một hồi kiểm tra, xét nghiệm, chờ đợi cơn đau đẻ mất nửa ngày, bác sỹ quyết định tiêm thuốc kích thích cơn co tử cung. Mất thêm nửa ngày nữa, nhưng kỳ lạ là mình vẫn không thấy đau đớn gì. Đến 20h tối thì bác sỹ chỉ định chọc ối, tiếp tục tiêm thuốc kích thích cơn co, đồng thời tiến hành tiêm gây tê ngoài màng cứng. Lúc đó mình cũng hơi sợ, vì trước đó đã trót xem một video ghi lại cảnh thai phụ co rúm người, đau đớn chịu đựng cái mũi tiêm gây tê to đùng chọc thẳng vào cột sống. Nhưng nghĩ: thôi, sợ thì làm được gì, cứ bình tĩnh sẵn sàng đón nhận, làm theo chỉ định của bác sỹ, khom người, điều tiết hơi thở là xong. Và rồi xong thật, nhẹ nhàng rất nhiều so với tưởng tượng, dù mình là đứa rất nhát, ngưỡng chịu đau cực thấp. Lòng mình thầm nghĩ: “Ối giời, tưởng gì, muỗi. Thế mà các mẹ kêu quá, thổi phồng đau đớn, hy sinh này kia…!”. Lúc chọc ối, nước ối xối xả chảy ra, mình nhớ mãi ông chồng vừa cười vừa nói: “Eo ôi, sao mà lắm nước quá! Thảo nào cái bụng to thế.” Và rồi những cơn đau đẻ toát mồ hôi đã tới. Dù đã có thuốc tê nhưng vẫn rất đau, từ râm ran rồi tăng dần, tăng dần đến quặn thắt. Mình chỉ dám thở rất nhẹ nhàng, cố gắng không kêu rên để giữ sức, tự nhủ: kêu cũng có giải quyết được gì đâu. Thêm 1 đêm và nửa ngày đau đớn tê dại, nhưng em bé vẫn không chịu chui xuống hố chậu, cổ tử cung chỉ mở được 5 phân. Bác sỹ chỉ định sinh mổ ngay lập tức, không chờ đợi nữa, sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Lúc đó, tinh thần mình vẫn rất tỉnh táo, ý thức được rằng trường hợp sinh mổ như mình là hết sức bình thường , không cần phải quá lo lắng. Tuy vậy, khi được đẩy vào phòng mổ, tự nhiên mình bật khóc tu tu, đến bây giờ vẫn không hiểu vì sao. Chắc tại phụ nữ trong quá trình mang thai, sinh nở hay nhạy cảm thế đấy, dễ dàng chảy nước mắt. Và ơn giời, mình vỡ òa hạnh phúc, lại bật khóc tiếp khi bác sỹ bế em bé đến trước mắt mình, cọ cái má phúng phính, mềm mịn như nhung vào má mình. Một cảm giác rất mới mẻ, vừa lạ vừa quen, vừa gần vừa xa với sinh linh bé bỏng ấy. Mình đã là Mẹ!
Năm ngày trong viện là những ngày thực sự đáng nhớ. Chỉ có hai vợ chồng chăm nhau và chăm con. Khi hết thuốc tê, mình đau vết mổ, nhưng vẫn cố gắng lom khom dậy tập đi, vệ sinh cá nhân, và đặc biệt là nỗ lực ngồi cho con bú đúng cữ để gọi sữa về. Con bé háu ăn, sữa không kịp về, khóc oe oe hai ngày đầu, chỉ ngậm ti mẹ hoặc nằm trên ngực bố hay mẹ ngủ mới chịu. Mình nghe người ta nói khi cho con bú là những giây phút hạnh phúc nhất của mẹ, là lúc cảm nhận rõ nhất tình mẫu tử thiêng liêng, gắn kết. Nhưng trải nghiệm của mình với việc cho con bú thì là “đau khổ”, đau đầu ngực kinh khủng. Những lúc chuẩn bị đến cữ bú của con là mẹ phải gồng mình quyết tâm rất nhiều. Con há miệng, ngậm khớp ti là mẹ giật thót, co rúm người, chảy nước mắt vì đau, không kịp nghĩ đến hay cảm nhận những điều cao xa, đẹp đẽ kia. Rồi dần dà, sữa cũng về, bé con ngủ ngon mỗi cữ khoảng 3 tiếng. Hai vợ chồng dìu nhau tập đi, có khi sung sướng ôm nhau cười khì khì: “Ôi, sao con ngủ suốt thế. Cứ thế này thì nhàn nhỉ?”
Đồ ăn trong viện không hợp khẩu vị nên khó ăn vô cùng. Một bữa điển hình, đủ dinh dưỡng dành cho bà đẻ gồm: 1 bát súp rau củ xay nhuyễn, mịn; 1 miếng thịt ức gà nạc tinh ninh nhừ với sốt kem; 1 miếng bánh mỳ và 1 miếng phô mai. Tuy sống bên Pháp, nhưng mình thường chỉ ăn đồ Việt tự nấu, không hợp với các thực phẩm từ sữa và kiểu nấu ninh nhừ của họ. Tất nhiên là trong hoàn cảnh không có sự lựa chọn, không ai nấu nướng cho thì phải cố gắng thích nghi thôi. Thế là hai vợ chồng nghĩ ra giải pháp: khẩu phần của vợ không ăn hết thì chồng ăn hộ, đỡ phí; và bổ sung thêm mỳ tôm thần thánh vào mỗi bữa ăn. Kể ra cho bố mẹ hai bên ở Việt Nam, ai cũng thương lắm, nói ăn thế sao mà đủ sức nuôi con. Nhưng với vợ chồng mình, thì thấy cũng bình thường thôi, khó khăn thì thích nghi, tìm niềm vui trong những khoảnh khắc thiếu thốn. Sau 5 ngày ở viện, mình được về nhà. Sau 10 ngày sinh, vợ chồng mình thay phiên nhau bế con, cơm nước và làm việc nhà. Sau một tháng, chồng đi làm giờ hành chính trở lại, mình một tay chăm con và lo việc nhà. Khi đó nhà mình có 3 studio cho thuê du lịch, nên ngày ngày hai mẹ con địu nhau dọn dẹp, đón khách, đưa chìa khóa, giải quyết các tình huống phát sinh. Nhịp sống mới từng bước được thiết lập, bận bịu không ngơi nghỉ với nhiều chuyện vừa bi vừa hài.
Đây là câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 3 năm, khi mình sinh con đầu lòng, hiện nay con mình được 2 tuổi 11 tháng. Mỗi lần nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy mọi khoảnh khắc hiện rõ mồn một như ngày hôm qua. Xa nhà, xa bố mẹ, chắc chắn không thể tránh khỏi những khoảnh khắc tủi thân, thèm được người thân hỗ trợ lúc mệt mỏi. Nhưng len lỏi vào đó là những giây phút tự hào về chính mình, vì mình đã mạnh mẽ, nhẹ nhàng thích nghi và vượt qua khó khăn. Theo sau đó là cảm giác tự do hiện hữu: tự do sắp xếp cuộc sống riêng của mình, tự do quyết định cách thức nuôi dạy con,... Đúng là: cái giá của tự do đôi khi lại là cô đơn, một mình bạn ạ. Vấn đề là mình vui vẻ chấp nhận với sự lựa chọn của mình mà thôi. Một điều nữa mà mình nhận ra sau những trải nghiệm đã qua là: hãy nhìn nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng, bình thản, đừng thổi phồng nó lên để gây hoang mang, lo lắng. Chuyện sinh nở của phụ nữ đúng là vô cùng hệ trọng, chứa tỉ lệ rủi ro nhất định, những cảm giác đau đớn về thể xác và tinh thần là có thật. Tuy nhiên, nếu mình dùng một tâm thế sẵn sàng đón nhận, suy nghĩ tích cực, thậm chí cảm nhận ở khía cạnh hài hước thì chuyện đó cũng rất đỗi tự nhiên, bình thường thôi. Cứ bình tĩnh và vui vẻ, sẽ ổn cả!
Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng ngẫm lại, mình vẫn mỉm cười cho rằng: đúng, việc sinh ra một đứa trẻ là việc mình làm giỏi nhất từ trước tới giờ. Và tiếp tục phải học hỏi nhiều hơn để trở thành một người mẹ tốt nhất có thể. Hành trình còn dài lắm, nhưng cứ bình thản đi từng bước thôi.
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0

Danh sách bình chọn

STT Mã VOTE Số lượng bình chọn Thời gian

Đơn vị tài trợ