Họ tên: Chú Toàn Cóc
Số báo danh: 111
Giới thiệu: Tác giả: Đào Trần

???́ ???̀? ??́?

Trưa, một trưa im lìm và vắng lặng. Cãi nắng bỏng rát ngày hè kéo từng vạt, từng màng nắng ngoài hiên cửa sổ. Tất cả yên lặng đến lạ. Tôi đang ngồi ăn vội bát cơm trưa để kịp giờ đi học chiều. Bỗng tiếng người đàn bà lớn tuổi nào đó, giọng khản đặc kêu lên thất thanh:
- Ối con ơi...
Bà tôi đội nón quai tím, chân đau tập tễnh bước vào sau màn nắng cháy da cháy thịt.
- Thằng Toàn chết rồi ông ạ! - Bà tôi vừa lần bỏ chiếc nón, vừa hướng về phía ông mà nói.

Tôi bỏ đũa, người như lặng đi. Miếng cơm với canh cua ngọt mát bà phần bỗng nghẹn ứ trong cổ.
Ông tôi nét mặt thảng thốt, vội đến chiếc liếp tre lấy chiếc áo mặc vội. Ông đội lên chiếc mũ cối rồi không nói gì bước ra phía nắng. Tôi ngồi bần thần nhớ về một tuổi thơ xa xăm, với những chùm hoa xoan tím biếc lắc lư, tung bay trong gió...

Chú Toàn là người làng, anh em xa nhà tôi. Dù hơn tôi 4 tuổi nhưng chú là con út của ông trưởng họ. Hồi ấy, cứ trưa hè, lũ trẻ chúng tôi lại tụ tập quanh nhà chú, bãy nghĩ đủ trò trận giả để chơi. Chúng tôi hay gọi chú là Toàn Cóc bởi một bên tay chú mọc tận 6 ngón do dị tật bẩm sinh.
Chú hơn tôi 4 tuổi nhưng dáng người nhỏ bé và gầy còm. Đôi mắt sáng lúc nào cũng ầng ậc nước trên gương mặt đen nhẻm nhuộm gió nắng. Nội tôi bảo đó là đôi mắt buồn, đôi mắt nợ đời của những người phận mỏng.

Tuổi thơ của tôi và những đứa trẻ cùng làng luôn tràn ngập tiếng cười bởi những trò chơi quái quỷ của chú. Mùa làng đốt rạ, chúng tôi theo chân chú đi trộm sắn, mót khoai đem xuống cánh đồng Xa để nướng. Mùa gặt, cả lũ tay vợt, tay túi đi khắp cánh đồng làng bắt muồn muỗn béo ngậy. Tiếng xe bò lộc cộc đồng Xa, chúng tôi lớn lên bên những trò nghịch dại nhưng đầy tiếng cười và một mảng kí ức cô đặc như kẹo mạch nha bà làm, vị ngọt cứ thế theo chúng tôi mãi những nẻo đường phía trước. Mùa xuân đến, những bụi hoa xoan tím te tím tái nhạt nhòa ở đâu đó bên những bờ vắng dậu thưa, đậu cả trên mái bếp có ngọn khói lam chiều bà thổi cơm. Chú Toàn dẫn chúng tôi ra hai cây xoan đầu làng ngồi đợi ông bán kem mút. Chú ngồi gọt đẽo chiếc chạc súng cao su cho từng đứa, đợi mùa chèng pheng về trong đám lá tre. Ngước nhìn lên cao, hoa xoan vẫn tím cả một góc đầu làng. Từng chùm hoa nở tím biếc cứ thế len lỏi trong kí ức tuổi thơ những đứa trẻ xa làng như tôi cho đến tận bây giờ.

Một tuổi thơ hồn nhiên đến độ, chúng tôi vẫn vui vẻ gọi nhau là người thiên cổ, thằng thiên cổ mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó là gì. Chỉ đơn giản là cái từ nghe khá hay mà chúng tôi thích thú khi học từ một bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng thời đó.
Tuổi thơ ấy, chúng tôi theo chân chú, nắm lấy bàn tay 6 ngón kì kì, chạy dọc những con đường đất đỏ dưới đồi, tắm tuổi thơ mình trong nước suối trưa hè mát lạnh , hò hét khản cổ trên ngọn đồi Cỏ Úa những chiều hạ đỏ nắng…Tôi không còn hờn giận gió hoang làm tung mớ tóc, không ghét cay ghét đắng cái nắng chiều trên ngọn đồi làm cháy sạm màu da, không còn ghét những đồi hoa sim, hoa mua tím biếc có những con ong mật đốt đau nhói...Hạnh phúc của tôi là một miền đồi có những cơn gió đã lau khô giọt nước mắt cay đắng tuổi thơ, là cái nắng đã sấy khô mớ tâm tư ướt nhẹp, là thứ mật ngọt tê đầu lưỡi từ những đồi hoa sim và hạnh phúc của tôi là ông nội, là bà, là những người bạn và cả chú tôi...

Lớn lên một chút, chú Toàn rời làng quê vào Nam lập nghiệp. Ngày chú đi, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm đứng líu díu vào nhau tạm biệt chú. Chú Toàn cũng chẳng khác là bao, chú vẫn là một đứa trẻ, tập đi trong thế giới của người lớn. Chú ôm giấc mộng làm giàu nơi đất khách quê người xa lắc xa lư. Ngày chú đi, chú qua gặp bà tôi. Trước lúc đi tôi còn nhớ chú thì thào to nhỏ với nội:
- Tết này về cháu kiếm cục tiền cho bố mẹ cháu trả nợ, xây nhà, kiếm luôn cả một cô vợ Nam nữa bác ạ!
Bà tôi cười xòa, thương chú tôi vất vả.
Những ngày chú vào Nam, lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ tụ tập nhau, nô đùa, bày trận giả. Nhưng đứa nào đứa nấy cũng buồn bã, thiếu vắng thứ gì đó. Có lẽ là một người đầu trò...

Rồi chú tôi trở thành người thiên cổ...

Hạ đỏ, chú Toàn tan biến vào một buổi chiều mùa đốt rạ, tan biến vào khói bụi của hư không. Sự ra đi của chú dữ dội, ồn ã, cái chết dữ dội và những nỗi đau không bật ra thành tiếng…

- Thằng Toàn nó bị điện giật trong công xưởng ông ạ! - Bà tôi hoảng hốt, vơ vội vạt áo nâu lên thấm những giọt nước mắt già cỗi...
Đêm ấy, người ta đưa chú về. Tôi nằm ngủ với nội, ôm nội mà thổn thức. Khi ấy, tôi đã hiểu được thế nào là NGƯỜI THIÊN CỔ!

Tuổi thơ và những khoảng trời xanh màu kí ức của tôi được cất giữ cẩn thận trong chiếc giương nửa thực nửa mơ. Đó là chiếc hộp gỗ chú cho tôi, trong đó là chiếc chạc súng cao su got dở, chiếc kèn lá chuối đã khô cong, và những kỉ vật tuổi thơ nhỏ bé lũ trẻ chúng tôi gom góp lại… Tôi và lũ bạn cùng chôn chúng dưới hai gốc xoan đầu làng, nơi bóng mát trở che cho những gì còn lại của mùa nhớ. Tôi không chôn vùi tuổi thơ của mình, chỉ là để nó ở một nơi yên tĩnh. Thứ kí ức được gói gém cẩn thận và cất giữ dưới bóng mát làng quê là một kỉ vật tin yêu và đáng trân trọng. Tôi không hề lãng quên, không hề đánh mất, cũng không muốn kí ức bị phai nhòa. Một ngày nào đó khi đã đi qua được những nỗi đau, tôi sẽ trở về dưới gốc xoan già, mở chiếc giương cũ ra cho những mảnh kí ức được thổi căng bởi gió trời và hơi thở của thực tại. Chúng tôi chẳng còn gọi nhau là người thiên cổ nữa, chỉ thấy xót xa khi nghe đến 3 từ buồn bã ấy. Rời làng, chúng tôi nghe nhiều người cũng về với thiên cổ. Rồi nội tôi, bác tôi cũng mới đó mà đã trở thành những người thiên cổ như chú Toàn...

Năm ấy, chú tôi 18 tuổi còn chúng tôi cũng trở thành những đứa trẻ 14, 15. Nhiều năm về sau đó, khi chúng tôi có đứa đã làm cha, làm mẹ ở cái tuổi 24, chú tôi vẫn mãi mỉm cười với tuổi 18 đầy ước vọng...

Suốt những mùa đốt rạ sau này, tôi vẫn luôn nhớ về cái buổi chiều chú dẫn chúng tôi đi trộm khoai sắn của làng bên. Một lũ trẻ đen nhẻm, gầy gò, ốm yếu chạy ù xuống từ ngọn đồi Cỏ Úa. Mùa đốt rạ nào đó xa lắm, chúng tôi lại về bên nhau, cả đám quây quần bên một đống rạ to đùng, ôm vào lòng những ngô khoai của đồng làng. Đống rạ rực lửa, tro tàn cứ thế cuốn theo chiều gió bay lên, cao mãi…
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0

Danh sách bình chọn

STT Mã VOTE Số lượng bình chọn Thời gian

Đơn vị tài trợ